Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Mười, 2011

Tại các buổi hội thảo chém gió về mobile, các diễn giả đều cố gắng mang đến cho người dùng một bức tranh vừa mang tính hiện thực, vừa có tính định hướng. Trong phạm vi bài này, người viết đưa ra một số gợi mở về tương lai của Mobile VAS trên quan điểm cá nhân để mọi người cùng tham khảo. Vì là dự đoán nên có thể đúng sai, vì vậy việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng là điều cần thiết, bạn nên kết hợp với nhiều thông tin bổ xung khác để ra quyết định.

Xu hướng xã hội hóa về Mobile Content

Trước nay có nhiều người cho rằng sự ra đời của các trung tâm VAS  là mối đe dọa tới sự sống còn của CP, điều này không hẳn đúng. Với Telco, dù có hay không có CP thì họ vẫn phải làm dịch vụ VAS cho khách hàng của họ, chưa kể vai trò quản lý các CP, định hướng  và điều tiết thị trường,…  Tuy nhiên, telco dù có nhiều tiền, các trung tâm VAS của họ có thể lên tới cà ngàn người, nhưng một mình telco không thể tự một mình ôm mảng VAS. Sức ép này càng lớn khi các telco triển khai 3G, bởi nếu không có dịch vụ nội dung phong phú, telco sẽ mắc kẹt trong bài toán thu tiền từ người dùng. Chẳng thế mà từ cuối 2009 đến nay, các nhà mạng đều welcome các CP và cả người dung cung cấp giải pháp, nội dung trên hạ tầng của mình.

Telco mất dần kiểm soát trong chuỗi giá trị của mobile VAS

Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người dùng smartphone và Mobile Internet trong thời gian tới sẽ kéo theo một hệ quả tất yếu là người dùng không còn phụ thuộc vào telco nữa khi sử dụng các dịch vụ nội dung. Mobile Web và App mở toang cánh cửa cho người dùng di động với kho nội dung phong phú từ nhà cung cấp thiết bị, các CP mà không cần qua cửa thu tiền của Telco giống như các dịch vụ SMS trước đây.

Đối với các CP,  xu hướng tích hợp các công cụ thanh toán online bên cạnh kênh thu tiền truyền thống qua hệ thống billing của Telco đang diễn ra khá mạnh mẽ. Có CP lớn còn tự mua lại một công ty online payment để triển khai hệ thống billing riêng, các CP nhỏ hơn thì tích hợp vào các cổng thanh toán, các ví điện tử. Trong giai đoạn đầu, tỷ lệ sử dụng các kênh thanh toán này không nhiều do ngữ cảnh thanh toán online để mua mobile content còn chưa tiện, nhưng quá trình dịch chuyển từ telco sang online payment đã và đang diễn ra. Và khi quá trình này hoàn tất, vai trò kiểm soát của telco sẽ không còn, vị thế của họ khi đó cũng tương tự như các cty cung cấp đường truyền internet hiện tại.

SMS vẫn sẽ là nguồn thu chính của các CP (Content Provider) trong vòng 3 năm tới

Trong vòng 3 năm tới là giai đoạn quá độ từ dịch vụ nội dung trên nền SMS sang dịch vụ nội dung trên nền Mobile Internet. Trong thời gian đó, các dịch vụ nội dung SMS based vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của Mobile VAS. Gì thì gì, dù công nghệ có thay đổi thì người chơi lô đề hàng ngày vẫn cứ nhắn tin lấy kết quả như thường và họ chẳng có lý do gì thay đổi điều đó chừng nào họ vẫn happy.

Mobile content có sự thay đổi về chất

Cùng với sự chuyển dịch sang nền tảng Mobile Internet, nội dung cho di động cũng chuyển dần từ offline sang online. Khi ngày càng nhiều người dùng có sẵn kết nối Mobile Internet, việc khách hàng đọc báo miễn phí từ các bản mobile reader là điều không hiếm. Thay vì chờ SMS kết quả xổ số, họ bật ứng dụng và xem live từng giải trên màn hình. Mọi thông tin mà khách hàng có thể quan tâm giờ đây nằm gọn trong cái Icon trên màn hình điện thoại, và chỉ với một click, họ có ngay thông tin mà họ cần, live và thậm chí hoàn toàn miễn phí. Với nội dung Multimedia, khách hàng có thể dùng thử, nghe thử, customize nội dung theo ý mình hoặc thoải mái lựa chọn kích thước hay định dạng phù hợp với dòng điện thoại đang sử dụng, tặng bạn bè chỉ với thao tác nhập số đơn giản, thanh toán online (online charging kiểu pay per click) hay qua một công cụ thanh toán bất kỳ…

Mobile có tính cá nhân hóa rất cao, việc sử dụng điện thoại gì trước giờ vẫn được xem là cách mà mỗi người thể hiện cái tôi của mình. Mobile content cũng vậy, việc bạn cài bản nhạc chờ nào, nhạc chuông nào, để theme ra sao cho phone của mình cũng giống như bạn diện một bộ cánh ra đường. Thay vì những nội dung có sẵn, người dùng sẽ ngày càng quan tâm hơn tới những nội dung mà họ có thể tự customize cho riêng mình.

Song song với xu hướng cá nhân hóa, xu hướng xa hội hóa cũng diễn ra thể hiện ở nhu cầu kết nối và chia sẻ nội dung giữa người dùng di động. Việc này không có gì mẫu thuẫn, giống như bạn có thể biễn trang cá nhân thành ngôi nhà hoa hồng của riêng bạn, nhưng bạn vẫn có nhu cầu chia sẻ nội dung của mình với bạn bè hoặc mời ai đó ghé thăm, chơi chung một quiz,….

Thời kỳ của các nội dung tương tác Truyền hình – Internet và Di động

Ai đó nói rằng, cuộc sống hàng ngày của mỗi người gắn chặt với ba cái màn hình, đó là ti vi, máy tính và điện thoại. Hiện tại, chúng ta đã có Internet TV, IP TV, Mobile Web, Mobile TV,… xu hướng này sẽ ngày càng rõ rệt trong thời gian tới. Thử tưởng tượng bạn sẽ ngồi trước màn hình TV và chơi game “Ai là triệu phú” trực tiếp cùng hàng ngàn người chơi khác qua điện thoại, đó là điều hoàn toàn thực tế.

Mobile B2B ngày càng phát triển

Những tiện ích mà mobile mang tới là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên từ trước tới nay, dịch vụ Mobile chủ yếu tập trung vào người dùng cuối cùng (B2C) chứ chưa hướng mạnh tới khách hàng doanh nghiệp. Cơ hội của các dịch vụ như Mobile CRM, Mobile Marketing, Mobile Alert,… dành cho doanh nghiệp là rất sáng sủa và sẽ được triển khai nhiều trong thời gian tới.

Read Full Post »

Có thể nói chưa bao giờ dân tình làm công nghệ quan tâm tới món Mobile như thời điểm hiện tại. Khoan hãy bàn tới việc trào lưu này sẽ đưa ngành công nghiệp nội dung số VN đi đến đâu, nhưng trong bối cảnh các online start-up đều loay hoay tìm chỗ đứng, bài toán monetize chưa có lời giải nào khác ngoài game (vốn đang bị siết) thì việc tiếp cận với một lĩnh vực có phần mới mẻ và có mùi “tiền tươi” như mobile đối với nhiều người chẳng khác nào đang bơi mỏi mà vớ được cái cọc.

Khoảng 6-7 năm trước, một công ty Mobile VAS khi đó là một cái gì đó thực sự mới mẻ. Bạn không cần phải  lăn tăn rằng đăng quảng cáo báo tốn bao nhiêu tiền khi biết chắc lãi thu về từ tin nhắn của khách hàng gấp vài lần số đó. Bạn cũng không cần phải tính chuyện đầu tư bao nhiêu cho một kênh truyền hình để quảng cáo dịch vụ của bạn khi tiền thu về luôn đủ để happy cả bạn lẫn nhà đài. Có điều, câu chuyện bây giờ có thể đã khác. Trong phạm vi bài viết này, ta hãy cùng tìm hiểu xem các công ty Mobile VAS ở Việt Nam hiện tại đang kiếm tiền bằng cách nào.

Dịch vụ SMS

Chắc hẳn ai đó còn nhớ cái thời đang đi đường có mấy đồng chí phóng xe đạp như điên trên phố, tay cầm tập giấy hô toáng lên “kết quả đê!”, giá hồi đó là 500-1000 đồng một tờ thì phải. Tất cả những hình ảnh đó giờ chỉ còn là kỷ niệm khi người người, nhà nhà nhắn tin SMS lấy kết quả xổ số, rồi thì soi cầu xin số với niềm tin sắt đá là con đấy sẽ “về”. Đó chỉ là một trong ví dụ điển hình về cách mà một dịch vụ SMS đi vào cuộc sống.

Các dịch vụ gia tăng trên nền SMS từ khi ra đời cho tới nay luôn chiếm tỷ lệ áp đảo trong cơ cấu doanh thu của các công ty Mobile VAS. Doanh thu từ các dịch vụ SMS based hiện tại chiếm khoảng 70% tổng doanh thu toàn thị trường và trong khoảng vài ba năm tới vẫn sẽ là mảng lớn nhất trong nồi cơm của các CP (Content Provider).

Nếu để chia ra thành từng nhóm, dịch vụ VAS trên nền SMS có thể chia thành các nhóm chính bao gồm: Xổ số (kết quả + soi cầu), bóng đá (tỷ lệ, tips và scores), multi media (nhạc chuông, hình nền,…), text game (kiểu như nhắn tin trúng thưởng, voting,…), thông tin theo yêu cầu (bói toán, tư vấn, giá vàng,…), dịch vụ tiện ích (cài GPRS), nạp tiền (áp dụng cho micro payment kiểu ngay và luôn). Tùy vào điều kiện của từng CP mà danh mục này có thể là một, một số hoặc tất cả.

Các kênh bán dịch vụ SMS trước đây chủ yếu thông qua public media (báo, đài, truyền hình, online). Có thời điểm các cty cứ đăng báo hoặc vác clip lên phát là có tiền. Tuy nhiên, giai đoạn đó trôi qua khá nhanh khi mà số lượng CP tăng lên cũng như các telco ép tỷ ăn chia càng chặt. Tới thời điểm hiện tại, nếu không tự sở hữu kênh media riêng hoặc hợp tác chặt chẽ với báo đài, không nhiều CP trụ được với model này.

Trong nhiều thời điểm, các CP rất biết cách tận dụng sơ hở của Telco để kiếm tiền. Khi tỷ lệ ăn chia còn hấp dẫn thì CP mua sim về nhắn SMS vào đầu số của mình ăn chênh lệch. Nhiều người nói bài này từ Telco đi ra chứ chẳng phải CP tự nghĩ.

Khi tỷ lệ ăn chia doanh thu SMS tiến tới mốc 45-55%, CP nào cũng kêu rằng không thể sống được vì tính chi phí sản xuất nội dung, tiền bản quyền, chi phí marketing,… thì không nhìn đâu thấy lãi với cái tỷ lệ như vậy. Và sự thật là nhiều bạn CP nhỏ đã “đi viện” khi thích ứng không kịp hoặc không giải được bài toán cashflow. Nhưng số lượng CP không vì thế mà giảm đi, trái lại, con số này vẫn tăng lên. Giải thích cho điều này là vì tại thời điểm đó, các CP tìm được mô hình kinh doanh mới giúp các CP từ lớn đến nhỏ có thể “sống chung với lũ”, đó là: Spam SMS

Nếu ai đó nói Spam SMS ở VN có từ bao giờ thì có lẽ thời điểm đó là khoảng năm 2005 – 2006, khi những chiếc GSM Modem đầu tiên được ship về VN chạy bằng phần mềm NowSMS và SMS Caster. Thực sự thì việc dựng một hệ thống spam tin nhắn quảng cáo dịch vụ SMS chưa bao giờ là điều khó khăn, có điều đó thực sự là con dao hai lưỡi cho một CP khi họ ngày càng phụ thuộc sâu sắc vào telco, chưa kể tới tỷ lệ phản hồi của người dùng đang giảm tới mức bạn không còn động lực nào để làm tiếp. Nếu bạn hỏi tôi liệu có nên dựng một đầu số và spam các dịch vụ hiện tại trên thị trường tại thời điểm hiện tại, câu trả lời chắc chắn là Không.

Dịch vụ tổng đài thoại IVR:

Nhiều người nghĩ rằng SMS có độ phủ người dùng rộng nhất vì không kén handset, tuy nhiên vị trí đó phải là của IVR, vì ngoài điện thoại di động, hệ thống IVR còn phục vụ cả nhóm người dùng điện thoại cố định.

Dịch vụ IVR tại Việt Nam ra đời từ rất sớm với những đầu số quen thuộc với người dùng như 19001570 vốn rất thành công với món dự đoán đội thắng thua giai đoạn khoảng 5 năm về trước, rồi thì 19001789 song hành cùng “Ai là triệu phú” mấy năm vừa rồi, rồi thì tổng đài Chị thỏ ngọc hay bất kỳ tổng đài chăm sóc khách hàng nào,… Có thể nói IVR là một nhánh lớn và tiềm năng song song với SMS, và các cty kinh doanh dịch vụ voice không nhất thiết phải tham gia vào mảng dịch vụ đầu số ngắn SMS. Tuy nhiên ở Việt Nam, ngoài một số công ty có kênh truyền thông tốt, hầu hết các CP đều không tập trung vào mảng này bởi một số lý do có thể kể ra như: Sản xuất nội dung mệt hơn SMS, khả năng phục vụ của hệ thống hạn chế hơn, khó làm truyền thông hơn, giá tiền thấp hơn (cao nhất là 5000 đồng/phút). Thời gian gần đây có một số công ty sử dụng hệ thống IVR làm hệ thống payment khá tiện.  Trên thế giới thì mảng IVR chiếm một tỷ lệ khá cao trong doanh thu VAS, nhưng có vô số thứ đúng với đâu đó chứ không hoặc chưa đúng với VN (dịch vụ MMS là một ví dụ), thế nên IVR chỉ nên được xếp ở nhóm có tiềm năng.

Nhạc chờ

Mảng kinh doanh nhạc chờ xuất hiện khoảng 3 năm trở lại đây và có mức tăng trưởng rất nhanh. Tuy nhiên nếu nhìn vào con số doanh thu nhạc chờ của 1 CP thì nhiều người dễ bị ngộ nhận về khả năng kiếm tiền của món này. Nhiều người nói vui là “làm dịch vụ Mobile VAS tiền nhiều nhưng chẳng phải tiền của mình”, với nhạc chờ thì câu này đặc biệt đúng. Tỷ lệ mà CP thu được trên tổng doanh thu tối đa là 15%, phần còn lại là của telco và tiền bản quyền cho ca sĩ, nhạc sĩ.

Nói về nhạc chờ, không phải 3 đại gia mà chính là Sfone là cty cung cấp dịch vụ này đầu tiên với tên gọi Coloring.  Tiếp đó khi Viettel là cty đẩy mạnh nhạc chờ lên thì dịch vụ này mới được đông đảo người dùng biết đến với thương hiệu Imuzik, sau đó là Mobifone với Funring và Ringtune của Vinaphone cũng lần lượt ra mắt nhưng số lượng CP cung cấp lẫn doanh thu thì Viettel vẫn là số 1.

Lý giải tại sao nhiều công ty lớn nhỏ tham gia vào kinh doanh mảng này là vì một số lý do. Thứ nhất, làm nhạc chờ không quá khó. Công việc của bạn là xin đc một chân cung cấp nhạc chờ lên hệ thống của telco rồi đi liên hệ ký bản quyền, ký xong hợp đồng thì sản xuất nội dung, up file và ngồi uống café chém gió chờ tiền. Bạn chỉ cần tập trung lo đầu vào cho tốt, đầu ra đã có telco lo nên bạn chả làm gì cũng vẫn có tiền như thường, còn bạn mà có kênh đẩy mã của mình cho người dùng cài thì quá tốt. Thứ hai, hầu hết các bài top download của nhạc chờ đều là những bài mới của các ca sĩ trẻ, vì vậy cơ hội cho các cty nhỏ luôn hiện hữu. Mà ca sĩ chưa thành danh thì bao giờ cũng dễ làm việc hơn các bạn sao chảnh vừa lắm yêu cầu mà up bài lên chả ai thèm cài. Nhiều khi làm lâu, nếu thấy bài mới mà khả năng lên hot cao thì chỉ cần alo cho ca sĩ rồi cứ thế upload hoặc in cái mail confirm ra để chứng minh rồi up bài xí chỗ. Thứ ba, kinh doanh nhạc chờ tuy không đột biến nhưng doanh thu tương đối ổn định. Bạn không cần có nhiều bài trên hệ thống, đôi khi bạn ký được chục bài đứng hàng top hot là bạn thoải mái tiền tiêu, cái đó thì phụ thuộc vào sense về nhạc cũng như mức độ nhanh tay của bạn.

Hiện tại, thấy được tiềm năng của mảng kinh doanh nhạc chờ, các telco đều có đội cung cấp nhạc chờ riêng bên cạnh các CP. Các ca sĩ và nhạc sĩ đều ý thức một cách nghiêm túc việc kiếm tiền từ nhạc chờ. Các CP thì cũng đang tiến sâu hơn vào phần sản xuất bằng các hợp đồng tài trợ album cho ca sĩ hay các hợp đồng kinh doanh độc quyền nhạc chờ. Telco đã mở API cho các cty cung cấp nội dung cài trên các kênh online của mình. Tất cả đều cho thấy, đây là mảnh đất màu mỡ và hứa hẹn nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Mobile Application và Game

Mobile Application là nội dung không thể thiếu trong phần lớn các buổi hội thảo chém gió về mobile từ đầu năm tới giờ. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng phù hợp để nhảy vào mảng phát triển mobile application hay làm mobile game. Đối với một công ty phần mềm, cty làm game mobile hay gia công application, việc phát triển application/game cho người VN có thể xem là hướng đi phù hợp. Nhưng đối với một CP thông thường bán dịch vụ nội dung, bỏ tiền vào tự phát triển application là bước đi chứa đựng nhiều rủi ro. Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài mobile game ra, doanh thu từ các application mang tính tiện ích hay content portal là không lớn. Đã có nhiều CP lớn đổ tiền đầu tư phát triển App và fail nặng. Với một CP tại thời điểm hiện tại, việc hợp tác phát triển mobile application với các bên có đội ngũ developer tốt và phân phối lại các application/game có chất lượng là hướng đi phù hợp hơn cả.

Năm 2010 là năm mà nhà nhà làm game phỏm, người người làm game đánh bài. Từ online chuyển sang chơi online trên mobile, từ bản Java lên bản Andoid rồi iOS. Có thể nói thời gian qua mảng game online trên mobile tại VN tăng trưởng nóng khi có cty đạt doanh thu cả chục tỷ một tháng. Vừa có một loạt các bạn làm game online trên mobile vượt rào bị xử phạt, nhưng tiềm năng của mảng phát triển, kinh doanh phân phối game online trên mobile ở VN là rất lớn trong thời gian tới.

MobileWeb/Wap charging

Mobile web ở Việt nam là một mảng còn khá mới, doanh thu từ mảng này cũng chưa lớn nhưng cùng với mobile application, đây sẽ là hai đại diện thay thế cho dịch vụ nội dung trên nền SMS trong khoảng 3 năm tới khi mà số lượng người dùng smartphone và mobile internet tại VN đang tăng nhanh. Mobile web có một lợi thế là dễ làm, kênh billing cũng có sẵn thông qua hệ thống online charging của telco. Với việc các telco xây các Wap Portal và cho các CP cắm vào kinh doanh trên hệ thống này, cùng với đó là các CP lớn mở hệ thống online charging cho các đối tác cung cấp nội dung tốt cắm vào bán nội dung kiếm tiền, cánh cửa bán nội dung trên mobile web sắp mở rộng cho những ai thực sự quan tâm tới mảng này. Hiện tại có khoảng >30 CP đang bán nội dung trên hệ thống online charging của telco, có điều tỷ lệ ăn chia của hệ thống này cũng tương đương SMS, bù lại CP không tốn phí MT, thanh toán cũng nhanh hơn SMS.

Mobile marketing

Trên thế giới, mobile marketing có thể thấy ở nhiều loại hình khác nhau, nhưng ở VN, SMS marketing chiếm vị trí chủ đạo. Nếu tính số tiền mà các cty Mobile VAS đổ vào spam kinh doanh dịch vụ đầu số thì thị trường Mobile marketing VN có quy mô cả ngàn tỷ một năm. Tuy nhiên nếu tính doanh thu từ việc các cty Mobile cung cấp dịch vụ Mobile marketing cho khách hàng thì con số này lại tương đối nhỏ bé.

Có hai lý do chính khiến cho việc cung cấp dịch vụ mobile marketing qua các CP khó khăn là vì: Thứ nhất, các Telco muốn đóng cửa tự làm và tự thu tiền, CP nếu có tham gia thì dưới dạng agency thông thường. Bởi thế mà ngay sau khi có nghị định 90 và thông tư 12 hướng dẫn cấp mã số quản lý nhằm mở đường cho việc cung cấp dịch vụ mobile marketing, các telco đồng loạt ra công văn cấm CP triển khai. Nguyên nhân thứ hai nằm ở tâm lý của nhà quảng cáo vẫn còn e ngại, nhất là sau những gì mà sms spam để lại.

Có một số CP dựng platform cho khách hàng doanh nghiệp vào mua keywords rồi tự triển khai chương trình mobile marketing của mình trên đầu số ngắn của CP đó bằng cách bán gói tin.  Đây cũng là một cách tiếp cận tốt từ phía CP, tuy nhiên như thế vẫn là chưa đủ để thu hút được một lượng đông đảo khách hàng sử dụng.

Gói dịch vụ SMS Brandname hiện ngày càng được nhiều cty quan tâm từ các Brand lớn, các ngân hàng và cả các cty SMEs. Đó thực sự là những tín hiệu tích cực từ thị trường. Trong tương lai không xa, SMS Brandname sẽ là bài toàn mở ra cánh cửa mobile marketing làm chính thống, khi mà các Telco chủ động mở hệ thống của mình ra cho Agency/CP làm (hiện tại Viettel đã mở).

Có một số CP thì có sẵn hệ thống spam, vì vậy họ cung cấp gói dịch vụ sms marketing cho khách hàng muốn triển khai qua hệ thống của họ.

Đã có một đề án quốc gia về đẩy mạnh sms marketing của VN, có sự tham gia của cơ quan bộ, các telco và các bên liên quan, tuy nhiên chừng nào lợi ích của các bên còn chưa được làm rõ thì mobile marketing ở VN còn bị nhét vào dạng tiềm năng dài dài.

Lời kết:

Một công ty kinh doanh dịch vụ Mobile VAS có thể kinh doanh một hoặc một nhóm hoặc tất cả các mảng ở trên đây tùy vào năng lực triển khai của mỗi bên. Tiềm năng của ngành này là có thật, tuy nhiên Mobile VAS không phải là con gà đẻ trứng vàng cho mọi công ty. Vì vậy, hãy có cái nhìn thực tế và sáng suốt trong lựa chọn của mình nếu muốn tham gia vào ngành này. Chúc bạn thành công!

Read Full Post »